CHI TIẾT TIN TỨC |
Khi chúng tôi gọi điện cho người tên Q, người này giới thiệu “có nhiều căn hộ nhà ở xã hội đang được người mua trước đó gửi lại bán giúp”. “Khách em không có nhu cầu sử dụng nên gửi bán. Bọn em là nhân viên của chủ đầu tư nên hoàn toàn yên tâm. Khách hàng gửi bán các căn có diện tích 57 m2 và 69m2, view cầu Phú Mỹ rất đẹp. Căn hộ đã được bàn giao nên người mua có thể vào ở ngay, anh có thể đến xem nhà trực tiếp”- Q. giới thiệu.
Tại một căn hộ 57m2 ở tầng 6, view cầu Phú Mỹ của dự án này, nhân viên tên H. tư vấn: “Căn này khách có nhu cầu bán với giá 1 tỷ 300 triệu, người mua chỉ cần trả cho người bán 850 triệu, 450 triệu còn lại, người bán đang vay ngân hàng gói ưu đãi 30 nghìn tỷ theo chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho nhà ở xã hội. Theo đó, anh sẽ được trả dần khoảng 4 triệu mỗi tháng cho đến khi căn hộ có sổ hồng và được phép sang tên. Lúc đó anh trả hết khoản tiền còn lại cho người bán”.
Với diện tích như căn hộ 57m2 này, cách đây hơn 1 năm khách hàng đủ điện kiện được mua với giá khoảng 900 triệu. Đối với căn hộ 69m2 thì gần 1 tỷ đồng. Như vậy, với giá rao bán thời điểm hiện tai, mỗi căn hộ có giá chênh lệch từ 400 đến 500 triệu đồng. Điều này khiến nhiều người thắc mắc có hay không chuyện “đầu cơ” nhà ở xã hội. Những người làm thủ tục mua nhà ở xã hội không có nhu cầu để ở mà mục đích là bán lại.
“Lách luật” và rủi ro chực chờ
Khi được hỏi về thủ tục pháp lý nào để đảm bảo quyền lợi và quyền sở hữu của người mua lại căn hộ dạng này, nhân viên tên A. giải thích: “Mọi thủ tục giao dịch là đúng quy định pháp luật hết. Luật pháp quy định không mua bán, chuyển nhượng, cho thuê lại trước 5 năm, ở đây họ dùng “Hợp đồng uỷ quyền” công chứng để lách luật”.
Theo một bản hợp đồng mà phóng viên có được, các điều khoản của hợp đồng ủy quyền căn nhà ở xã hội này nêu rõ, bên được ủy quyền (người mua) được sử dụng căn hộ này và sẽ thay mặt bên uỷ quyền (người bán) trả nợ ngân hàng số tiền mà người bán đã vay. Ngoài ra, người được uỷ quyền cũng được phép đứng tên đăng ký các hợp đồng sinh hoạt như điện, nước với các cơ quan chức năng và thực hiện việc thanh toán tiền sử dụng các dịch vụ trên…
Trao đổi về hình thức mua bán này, luât sư Nguyễn Đức Chánh- Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, quy định tại Điều 19 Nghị định 100/2015 của Chính Phủ thì người mua, nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua. “Trong thời hạn chưa đủ 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách”- luật sư Chánh nói và cho biết, việc “lách luật” bằng hình thức hợp đồng ủy quyền thì người mua lại nhà ở xã hội có thể gặp nhiều rủi ro về sau.
Bằng hợp đồng uỷ quyền để lách luật, người mua gặp phải nhiều rủi ro
Theo luật sư Chánh, nhà ở xã hội giá rẻ hơn vì đã được nhà nước bỏ phí ra bù lỗ, chứ không phải tự nhiên mà nó rẻ như thế. Bởi vậy, đối tượng để mua được mua nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng xét duyệt rất kỹ về hoàn cảnh, thân nhân có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế đang xảy ra nghịch lý, một số trường hợp “đủ điều kiện” mua nhà xã hội đã lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để đầu cơ kiếm lời.